Xin lỗi, Trình duyệt của bạn không hỗ trợ JavaScript!
Bạn hãy dùng những trình duyệt khác hoặt phiên bản trình duyệt cao hơn để sử dụng website tốt nhất!
Chào bạn...

Những công việc “giản đơn” trong “Bản tình ca ngành điện”

Tạp vụ, nấu cơm… những công việc tưởng chừng đơn giản giữa đời thường, không mấy ai quan tâm trong “guồng quay” của dòng điện. Nhưng với chúng tôi, những “người lính” thủy điện, xa quê, xa gia đình rời vòng tay bố mẹ chăm bẵm thì quan trọng lắm những bữa ăn đủ chất đủ lượng, quan trọng lắm việc có người giúp dọn phòng, giặt quần áo, bát cháo ấm lòng mỗi khi ốm đau.

Chúng tôi lên Na Hang – Tuyên Quang vào những ngày tháng 12 năm 2002 lúc đó đường đèo núi quanh co, gập ghềnh, một bên là núi cao một bên là vực thẳm chắc chỉ những bác “tài xế” thật quen đường rồi mới vững tâm vừa đi vừa hát được. Những câu hát “Chót vót đường lên với Na Hang, qua đèo Cổ Yểng em ơi! Dòng sông xanh như thảm lụa, xanh ngát xanh, ơi Nà Hang…” như đang động viên chúng tôi, bớt lo lắng bởi chặng đường mới với đầy khó khăn, gian khổ và đầy thách thức. Tới giữa đèo, trời mưa to cộng với bùn đất xe không đi được, chúng tôi phải ôm bụng đói chờ người tới trợ giúp. Xuất phát từ Hà Nội lúc 9h sáng, dự kiến khoảng 17h chiều sẽ tới Na Hang, nhưng đến 20 giờ tối chúng tôi vẫn đang ở giữa đèo không một bóng người qua lại. Bụng đói, cùng với nỗi sợ, sự hoang mang của tất cả các anh chị em mới lần đầu tới đây…chúng tôi muốn quay về. Bác tài xế lại tiếp tục ngân nga những câu hát đẹp, ngợi ca về mảnh đất Na Hang như tiếp thêm hy vọng, sự tự tin cho chúng tôi.

22 giờ đêm chúng tôi đã đặt chân tới mảnh đất Na Hang, một vùng đất còn vô cùng nghèo khó, các căn nhà đất, nhà lá lụp sụp với những ánh sáng leo lét được thắp từ nến và đèn dầu. Xa xa kia là một khu nhà cấp bốn, ánh điện sáng duy nhất lúc này chính là Khu nhà ở và làm việc của Ban quản lý dự án Thủy điện 1. Trước mắt chúng tôi là một người phụ nữ, dáng người cao gầy với mái tóc đen dài cùng nụ cười tươi chào đón chúng tôi. Cửa xe mở, cô đã chạy ra và ân cần hỏi han, sách hành lý cho chị em chúng tôi, vào tới phòng ở chúng tôi thấy vô cùng ấm áp khi chăn, gối đã được chuẩn bị sẵn sàng, thêm 1 nồi ngô luộc đang để ở giữa phòng thật ấm cúng, lúc này chợt thấy cuộc sống thật quý giá, mái ấm gia đình không gì so sánh được.

Xa gia đình, xa bàn tay bố mẹ những người trẻ như chúng tôi bớt đi sự lo lắng, bớt đi sự buồn tủi và cảm thấy ấm áp vô cùng khi có sự quan tâm, chăm sóc của cô Ngô Thị Mạnh – Một người mà tôi gọi thân thương là “Dì”, một người dân “bản địa” sinh ra và lớn lên ở chính mảnh đất Na Hang này, là một Nhân viên tạp vụ, thuộc Phòng Tổ chức – Hành chính, Ban Quản lý dự án Thủy điện 1, được Phòng giao nhiệm vụ lễ tân, dọn dẹp và hỗ trợ công tác nấu ăn cho Cán bộ công nhân viên.

Công việc tạp vụ, phục vụ là công việc có thể nhiều người không coi trọng lắm khi nhắc tới ngành điện của chúng ta có thể người dân cũng như chính người trong ngành chúng ta thôi sẽ không mấy quan tâm hay “bỏ quên” những người phục vụ. Nói tới Công nhân ngành điện mọi người sẽ nghĩ tới ngay những người công nhân đường dây, người công nhân đi thu tiền điện, người kỹ sư xây dựng, kỹ sư thủy điện…nhưng mấy ai nhớ tới những người “thầm lặng” đứng sau mọi hoạt động của ngành nhưng lại là những người vô cùng quan trọng đối với những người lính thủy điện chúng tôi. Sự hi sinh, chăm sóc thầm lặng của họ mang lại niềm tin, tạo động lực rất lớn để mỗi người trẻ xa quê như tôi vượt qua được mọi khó khăn, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và đầy đủ. Tôi vô cùng trân trọng những con người làm các công việc “thầm lặng” này.

Chị Ngô Thị Mạnh là Đảng viên nữ luôn hoàn thành tốt công tác được giao, tấm gương sáng của chị em phụ nữ Công ty.

 

Câu nói “Chè Thái gái Tuyên” đã phần nào khẳng định được vẻ đẹp bên ngoài của dì, một người phụ nữ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tuyên Quang với lịch sử hào hùng, cảnh vật hữu tình, mê đắm lòng người khi đến. Một người con gái với bao nét đẹp nhưng trong cuộc sống gia đình lại vô cùng khó khăn vất vả. Lập gia đình khi mới tròn 19, có con lúc tròn 21 và khi con gái được 17 tuổi, chồng “dì” qua đời, một mình “dì” lại vất vả nuôi con và chăm sóc bố mẹ hai bên, ghánh nặng đè lên vai một người phụ nữ nhỏ bé.

Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang khánh thành năm 2008, Ban Quản lý dự án Thủy điện 1 rời toàn bộ anh em lên Lai Châu để bắt đầu công tác quản lý, xây dựng Nhà máy Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát, với vị trí đóng quân ở địa bàn vô cùng khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh. Vì thương chúng tôi, dì tạm gác lại công việc gia đình, gửi con gái cho bố mẹ già để đi theo Ban Quản lý lên mảnh đất Than Uyên, Lai Châu đầy sỏi đá. Dì cũng là người xung phong làm việc tại Nhà máy Thủy điện Huội Quảng nơi dân cư thưa thớt, đời sống sinh hoạt khó khăn vất vả hơn Than Uyên rất nhiều. Nhưng dì bảo “Dì rời quê rồi, có một thân một mình trên đây thì làm việc ở đâu cũng là làm việc, Than Uyên mọi thứ từ sinh hoạt, ăn ở tốt hơn để dành cho các cháu, những người trẻ hơn, có gia đình các con ở đây, còn cho chúng nó điều kiện tốt để học tập. Còn dì, sẽ vào Huội Quảng, ăn ở với anh em, lo cho những anh em vận hành xa nhà, xa quê” - vậy là dì lại đi Huội Quảng. Các anh em tại trụ sở Huội Quảng cũng quen thuộc với việc chăm sóc, với sự ân cần và đặc biệt với những bữa ăn đầy “tâm huyết” của dì rồi, chỉ vắng dì hai đến 3 ngày thôi ai cũng nhớ, ai cũng gọi điện “cô ơi! Chị ơi! Bao giờ chị lên, bọn em nhớ chị lắm, vắng chị cơm không ngon (mặc dù chất và lượng vẫn vậy). Như vậy cũng là đủ để biết mọi người yêu quý dì như thế nào, biết dì sống với mọi người ra sao.

Cũng cùng với sự cố gắng, ham học hỏi của dì, không ngại về độ tuổi, về thời gian cũng như cung đường đi lại, dì đã tham gia một lớp học từ xa và tốt nghiệp hệ Cao đẳng chuyên ngành Thư ký văn phòng. Với năng lực và sự nỗ lực không ngừng nghỉ đó, Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát đã đồng ý và xét chuyển ngạch lương, sắp xếp các công việc văn phòng để phù hợp với chuyên môn được đào tạo của dì. Được sắp xếp công việc văn phòng tại Phòng Hành chính và Lao động nhưng dì vẫn tiếp tục hỗ trợ nhà bếp, hỗ trợ các chị em phục vụ khác trong công tác chăm lo đời sống, bữa cơm hàng ngày của các anh em khu vực Huội Quảng. Đặc biệt trong thời điểm diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, chưa kiểm soát được việc lây lan trong cộng đồng, anh em công tác xa nhà phải hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, một tay dì lại ân cần, chu đáo sắp xếp các món ăn đủ chất, đủ lượng, các bữa ăn đầm ấm với không khí gia đình cho CBCNV nguôi nỗi nhớ nhà và an tâm lao động, sản xuất.

Với hơn 17 năm tận tụy, tâm huyết với ngành điện, nhiều năm liên tiếp là Chiến sỹ thi đua cơ sở cấp Công ty. Để ghi nhận những công lao đóng góp, sự cống hiến của dì, Công đoàn Công ty đã đề xuất và được Công đoàn Điện lực Việt Nam đồng ý, tặng khen thưởng cho chị Ngô Thị Mạnh với những thành tích xuất sắc trong công tác vận động nữ CNVCLĐ và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2020.

 

Phó chủ tịch Công đoàn EVN tặng Biểu trưng cho chị Ngô Thị Mạnh tại Lễ Biểu dương

 

Luôn hoàn thành tốt mọi công việc được Công ty giao, đồng thời chu toàn công việc gia đình. Con gái thiếu bàn thay chăm sóc của bố mẹ lúc trưởng thành nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của cô bé và sự đam mê với ngành điện giờ đây em đã là kỹ sư, một thành viên trong đội ngũ Tư vấn điện 1 và đặc biệt hơn nữa trong tháng 5 vừa qua, dì đã vô cùng hạnh phúc khi được “lên chức” bà ngoại. Vậy là cuộc sống của dì đã vô cùng viên mãn đến thời điểm hiện tại “Vui vẻ, hạnh phúc, nhìn thấy con cháu của mình mạnh khỏe thành đạt là dì đã rất mãn nguyện” – Chỉ một ước nguyện nhỏ nhoi vậy thôi.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình..” Một đời tuổi trẻ của dì đã dành cho ngành điện, mọi sự gian khổ dì đã nếm trải qua, và chúng tôi luôn mong muốn và hy vọng những điều tốt đẹp nhất, may mắn nhất sẽ luôn tới với một con người tốt, tận tâm, tận tụy như dì – Người phụ nữ với công việc giản đơn trong “Bản tình ca ngành điện”./.

 

 

 

 

Tìm kiếm sản phẩm