Xin lỗi, Trình duyệt của bạn không hỗ trợ JavaScript!
Bạn hãy dùng những trình duyệt khác hoặt phiên bản trình duyệt cao hơn để sử dụng website tốt nhất!
Chào bạn...

Ngày yêu thương được lan tỏa, đó là ngày “Hạnh Phúc”

Mỗi người đều có những câu chuyện cuộc đời của riêng mình. Câu chuyện của tôi là kể lại, chia sẻ những điều tích cực mình chứng kiến, mình được nghe đến những đồng nghiệp thân mến, để chúng ta có thể hưởng ứng và lan truyền điều tốt đẹp ấy.

Trước khi đặt bút viết những dòng chữ về câu chuyện này, tôi đã thấy vô cùng bối rối và thật khó để đưa ra những từ ngữ, những lựa chọn. Chúng ta đều đã quá quen thuộc với những bài báo rằng tỉ phú, chủ doanh nghiệp lớn ủng hộ vùng núi xa xôi, làm từ thiện,… Và khi nói đến người đi từ thiện chúng ta thường nghĩ đến việc chia sẻ những thứ mình đã có đủ cho những người khó khăn hơn. Nhưng đối với riêng tôi, câu chuyện về chị Phạm Thị Vân – người đồng nghiệp của tôi tại Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát lại không như vậy. Nó như một câu chuyện mà chị em đồng nghiệp chúng tôi kể nhau nghe vào mỗi lúc nghỉ ngơi - chân thành, ấm áp mà giản dị đến kì lạ. Chị không phải người có đời sống vật chất vào mức cao, nhưng cách chị dành số tài sản ít ỏi mà mình có cho những người cần nó lại đẹp một cách cao cả, vĩ đại.

Chị Phạm Thị Vân với nụ cười hạnh phúc khi được thực hiện “đam mê” của mình

Sẽ thật khó để nhận định cuộc đời của chị qua những con chữ, trang giấy. Như bao người phụ nữ khác, chị có một công việc mình yêu thích, một gia đình hạnh phúc với người chồng biết thông cảm sẻ chia, ba đứa con thơ ngoan ngoãn, yêu thương cha mẹ. Chị cũng vậy, chị yêu gia đình bằng cả trái tim. Dường như gia đình là tất cả với chị. Mỗi lần nhắc đến những đứa con đáng tự hào ấy, chị bỗng nhiên rạng rỡ hẳn, khóe mắt lấp lánh nụ cười hạnh phúc của tình mẫu tử. Nhưng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói “Cuối cùng thì khao khát sống cũng không giữ lại một cuộc đời trọn vẹn, và khao khát yêu cũng không khiến chúng ta có một tình yêu trọn vẹn”. Chị hạnh phúc, nhưng cũng có những vết thương khó lành, nhưng đối với chị vết thương đó có một nét đẹp rất riêng. Người con trai thứ 2 của chị không may mắc bệnh tự kỷ. Nếu một ai đó đang đọc bài viết này từng tiếp xúc với những người kém may mắn mắc bệnh tự kỷ, họ sẽ có thể thông cảm, thấu hiểu sâu sắc với sự khó khăn của chị trong việc nuôi dạy con cái. Người con trai của chị rất ngoan, và như tôi đã nói, nó cũng rất yêu chị. Chỉ là cậu bé thể hiện tình yêu theo một cách khác biệt với chúng ta, có thể người ngoài cuộc không hiểu, nhưng người sinh ra, nuôi nấng, chăm sóc và tự hào dù bất kể cậu bé có ra sao, ắt hẳn sẽ hiểu.

Trong một lần tâm sự, tôi đã tò mò cơ duyên nào khiến chị quyết định lựa chọn con đường không bằng phẳng này, cuộc sống của chị đã quá đủ bận rộn vì nếu đặt hoàn cảnh là tôi - ích kỉ một chút, tôi sẽ dành thời gian chăm lo cho gia đình nhỏ của mình vì quả thực trong chúng ta ai cũng đã từng ước một ngày có nhiều hơn 24h để làm được hết những điều mình muốn cho người yêu thương bên cạnh. Chị chia sẻ với tôi rằng “Trước đây chị chỉ nghĩ làm thế nào để kiếm được thật nhiều tiền để giàu có bằng bạn bè đồng nghiệp nhưng giờ đây chỉ nhìn thấy nụ cười hồn nhiên, những bữa cơm đủ đầy của lũ trẻ là chị thấy cuộc đời được tô màu hồng rồi”.

Chị kể “Những ngày đầu từ thiện chị đã định bỏ cuộc vì cảm thấy con đường mình đi khác mọi người và khó khăn quá”. Ngày đầu tiên tự mình đứng lên kêu gọi ủng hộ chị chỉ xin khuyên góp được đúng một chiếc áo, lúc đó chị đã nản chí nhưng nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn ngoài kia như những đứa con thơ của mình chị lại nỗ lực. Không phụ công, số đồ ủng hộ chị kêu gọi được đã nhiều hơn bắt đầu từ một, hai bao quần áo, một vài thùng mì, quyển vở, cái bút cho đến 60 triệu đồng và nhiều vật phẩm khác. Lúc đó chị hạnh phúc lắm, cảm thấy đây như là sứ mệnh của mình, sứ mệnh kết nối những con người muốn lan tỏa yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn.

Đằng sau mỗi chuyến từ thiện, những nụ cười là những giọt mồ hôi, nước mắt và sự nỗ lực bền bỉ, không ngừng nghỉ của người phụ nữ đáng ngưỡng mộ này. Nếu hành trình đi kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm, chuẩn bị quà từ thiện cho khó khăn 5, thì việc di chuyển, trao tặng cho những người cần phải khó khăn 10. Đường xá gập gềnh, lộ trình dài đằng đẵng mãi không tới nơi, những con dốc, khúc cua nguy hiểm đến thót tim trên đoạn đèo để đến với từng bản làng. Có những ngày mưa xối xả trắng xóa con đường, có những ngày nắng cháy da cháy thịt trong lúc gặp gỡ các em nhỏ, và có cả những ngày âm u, tối tăm như tương lai của những đứa bé vì miếng cơm manh áo, vì cái nghèo cái khó mà phải từ bỏ việc học - từ bỏ tương lai và cuộc đời của chính mình. Và dù ngày nắng hay mưa, dù âm u hay giá rét, chúng ta vẫn có thể thấy một tia nắng ấm áp, dịu dàng và đầy nhiệt huyết cháy bỏng. Đó chính là tình cảm thương yêu, bao dung chị Vân dành cho những em nhỏ, cũng chính là tình cảm trân trọng, biết ơn một cách ngây ngô nhưng gần gũi, thân thuộc như gia đình của các em nhỏ dành cho người phụ nữ đã giúp đỡ mình.

Kỷ niệm tôi nhớ nhất trong một lần được cùng chị đến thăm cháu Phan Phúc Tuấn ở xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Lần đầu tiên tôi không kìm nổi nước mắt khi nghe một câu chuyện của một người xa lạ. Cháu bị ung thư máu, éo le thay tháng 3/2021 bố cháu có kết quả ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Mẹ cháu một mình phải lo toan cho cả chồng và con đều đang bị bệnh nặng. Ngày chúng tôi đến nhà thăm cháu Tuấn vừa kết thúc đợt điều trị ở bệnh viện Huyết học Trung ương trở về nhưng bữa cơm hồi phục sức khỏe của cháu không có gì ngoài bát cơm trắng. Mẹ của cháu nghẹn trong nước mắt chia sẻ “Dù không biết chữ và nghèo những vì chồng con sẽ sẵn sàng là bất kì điều gì bác sĩ khuyên để chữa bệnh cho chồng con”.  Hoá ra tình thân lại thiêng liêng, cao cả và vĩ đại bất chấp những thử thách của cuộc đời đến như vậy. Ngày hôm đó, dù không nhiều về vật chất nhưng đoàn chúng tôi thay mặt cho các nhà hảo tâm đã trao cho gia đình cháu được 8 sổ tiết kiệm trị giá 40 triệu đồng, và thật sự, tôi thấy mình đã có một ngày rất ý nghĩa.

Bởi vì thế nên mới có một câu nói chúng tôi hay trêu nhau thế này khi chứng kiến cảnh tượng đẹp đẽ ấy “Dù thời tiết đẹp hay không đẹp, dù không gian có nghèo nàn thiếu thốn đến đâu, ngày yêu thương được lan tỏa giữa cộng đồng, đó là ngày Hạnh Phúc”.

Những đứa trẻ trong nhận định của chị là tương lai của xã hội, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước, xa hơn là của thế giới sau này. Vậy nên một bộ phận giới trẻ đi lùi, tương đương một bộ phận của toàn xã hội, đất nước đi lùi. Bởi lẽ đó, chị cống hiến hết mình với việc từ thiện, ủng hộ những trẻ em nghèo, khó khăn.

Trước khi đặt bút viết bài này, tôi vẫn còn lấn cấn, rối rắm trong những suy nghĩ của chính mình, rằng vì sao chị có thể “đam mê” với từ thiện đến vậy. Nhưng đến đây, tôi đã nhận ra rằng “À, thì ra đó là tấm lòng của một người mẹ có con, tấm lòng của một công dân có trách nhiệm với đất nước, và hơn hết, đó là tấm lòng của một nhà hảo tâm - biết chia sẻ, biết cảm thông, biết thấu hiểu và biết giúp đỡ những mảnh đời còn nhiều thương đau”.

Tôi tin rằng, những chia sẻ rất thật này, không chỉ tôi mà nhiều người sẽ có suy nghĩ khác về việc chia sẻ những điều tốt đẹp đến những hoàn cảnh kém may mắn bên cạnh mình. Tôi đã hoàn toàn thay đổi quan niệm “Phải lo cho mình đủ đầy rồi mới nghĩ đến những người xung quanh”. Hi vọng qua câu chuyện nhỏ này sẽ giúp chúng ta nhận ra cuộc sống này có rất nhiều điều tốt đẹp, như tựa đề bài viết “Ngày yêu thương được lan tỏa, đó là ngày Hạnh Phúc”.

Bài viết: Đoàn Thị Mai Anh - P.HCLĐ

Tìm kiếm sản phẩm