Công đoàn với việc vận động đoàn viên tham gia công tác phong trào
Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tuy nhiên, hiện nay qua thực tế hoạt động chúng ta có thể nhận thấy còn nhiều đoàn viên chưa tham gia hoặc tham gia nhưng chưa nhiệt tình các hoạt động phong trào của Công đoàn. Nguyên nhân của tình trạng đó là do: đội ngũ cán bộ Công đoàn còn thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng; Công đoàn chưa có những mô hình hoạt động thực sự mới mẻ, hấp dẫn, còn thiếu những ý tưởng sáng tạo. Đặc biệt, Công đoàn chưa kịp thời nắm bắt được chính xác và đầy đủ những nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, đôi khi đôi lúc còn chưa thực sự quyết liệt trong chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, một mặt chưa tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút đoàn viên tham gia, mặt khác không phát huy cao độ được tinh thần tích cực, tự giác của họ hưởng ứng các hoạt động.
Từ những nhìn nhận trên đây, để góp phần cải thiện, nâng cao khả năng tập hợp đoàn viên Công đoàn tham gia các hoạt động phong trào của tổ chức Công đoàn, chúng ta cần xem xét coi trọng thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt, cách thức tổ chức tập hợp, sự đổi mới luôn là yêu cầu cần thiết và có tính bắt buộc với tổ chức và các hoạt động phong trào, bởi đổi mới không chỉ giúp Công đoàn có điều kiện xây dựng vững mạnh mà còn giúp Công đoàn ngày càng nâng cao uy tín, khả năng trong tập hợp, đoàn kết được đông đảo đoàn viên hướng vào thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đơn vị.
Công đoàn cần phải xây dựng các mô hình, nội dung hoạt động hướng vào giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của đoàn viên Công đoàn. Trong đó phải xem xét tập trung giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng cấp thiết, chính đáng của họ. Nếu Công đoàn không “đồng hành” cùng họ, giúp họ khắc phục những khó khăn vướng mắc, mà lại hướng họ tới các hoạt động không thiết thực, các phong trào thiếu thực tế thì chắc chắn đoàn viên sẽ ít “mặn mà”, thậm chí “quay lưng” với các hoạt động Công đoàn. Điều đó cho thấy, cần phải có sự hài hòa trong xây dựng các mô hình hoạt động, trong xác định nội dung, mục tiêu hoạt động để đảm bảo vừa khơi dậy và phát huy cao độ lòng nhiệt tình, tính tự giác và trách nhiệm của đoàn viên Công đoàn.
Tạo nhiều sân chơi mới mẻ, hấp dẫn thu hút đông đảo đoàn viên Công đoàn tham gia. Các nội dung sinh hoạt truyền thống, các hoạt động lặp đi, lặp lại nhiều lần sẽ không tránh khỏi sự nhàm chán, thiếu hấp dẫn đối với đoàn viên. Do đó, thời gian tới Công đoàn cần tập trung nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất và phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các sân chơi thật sự bổ ích, lành mạnh cho người lao động tham gia.
Hiên nay lối sống hiện đại đã làm con người có những suy nghĩ mới mẻ, họ mong muốn có nhiều cái mới, những khác lạ, hấp dẫn trong hoạt động. Do đó cần thường xuyên, tích cực sáng tạo, đổi mới trong công tác Công đoàn để đáp ứng được nhu cầu nguyện của Đoàn viên công đoàn. Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động. Người đứng đầu tổ chức công đoàn phải có uy tín cao, am hiểu sâu sắc và có kinh nghiệm thực tiễn về công tác vận động quần chúng, nhất là vận động công nhân, người lao động. Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Và cuối cùng là các cấp uỷ cần xem xét phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Công đoàn cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức, cán bộ và hoạt động Công đoàn cấp mình. Định kỳ hằng năm và khi cần thiết, ban thường vụ hoặc ban chấp hành cấp uỷ tổ làm việc với ban chấp hành công đoàn cùng cấp để nắm tình hình hoạt động, chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ thời gian tiếp theo; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Bài viết: Nguyễn Xuân Hải - PXVH Huội Quảng