Xin lỗi, Trình duyệt của bạn không hỗ trợ JavaScript!
Bạn hãy dùng những trình duyệt khác hoặt phiên bản trình duyệt cao hơn để sử dụng website tốt nhất!
Chào bạn...

Mưa tháng Tám…!

Tháng Tám, trời dần chuyển sang thu. Cái buồn man mác của Thu sang khiến chúng ta “nức nở” và “nao lòng”.

Với những người sống trong yên bình, dưới mái nhà đủ để che nắng, che mưa; Dưới tổ ấm vẫn vẹn tròn đủ thành viên, quây quần bên mâm cơm chiều và nói về những thứ trên trời, dưới biển. Tháng Tám đẹp đến nao lòng.

Với những người không còn cơ hội để trở về nhà ăn bữa cơm cuối với gia đình vì gặp sạt lở; không còn một tấm mái che lành lặn, chẳng thể ngủ ngon giấc vì lạnh, tỉnh giấc giữa chừng vì mưa hắt, gió đập cửa. Tháng Tám đầy đau đớn, khiến họ phải khóc nức nở.

Con người khóc vì những gì đã mất, người thân, tài sản,… Và con người khóc vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền, mẹ già con nhỏ còn đè nặng trĩu lên đôi vai. Những giọt nước mắt ấy cũng chẳng thể cho họ một giây phút nghỉ ngơi để đau buồn…

Cơn lũ đi qua để lại thiệt hại tại bản Chế Hạng, xã Khoen On

Anh Hoàng Văn Đăm, đã mất đi quá nhiều thứ trong đợt mưa lũ vào đầu tháng Tám vừa qua. Chúng tôi - Đoàn cán bộ nhân viên của Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, dù đã chuẩn bị tâm lý từ khi có kế hoạch đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Đăm mà vẫn vô cùng nghẹn ngào. Có những lời chia sẻ, an ủi với những mất mát của gia đình anh, mà chúng tôi không thể nói ra lời. Vì đến chính chúng tôi, còn không thể ngưng bàng hoàng, ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến những gì gia đình anh cùng những đồng bào trên địa bàn đã phải trải qua.

Sáng ngày 17/8/2023 đoàn chúng tôi với sự chỉ đạo của ông Mai Tống Giang - Giám đốc Công ty phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Khoen On đến bản Chế Hạng, xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nơi chịu nhiều thiệt hại về người và của trong mùa mưa bão vừa rồi. Cung đường nhỏ lắt léo, quanh co còn đọng những vũng bùn nước khiến con đường càng trở nên nguy hiểm vì trơn trượt đưa chúng tôi đến căn nhà nhỏ của anh Đăm. Đón chào chúng tôi là những đứa trẻ mới chừng 4, 5 tuổi, các em đầy hiếu động và vô cùng lễ phép. Lũ trẻ dắt tay chúng tôi đi vào “mái ấm” của các em, nơi bà nội chúng đang chậm rãi bước ra.

Đoàn chúng tôi được bà cụ chào đón với một phương thức tiếp khách trịnh trọng và thân thiết. Và đó là khi chính bản thân tôi, một người sát sao nghe và xem tin tức về thiệt hại của bão lũ sững người lại, đôi chân như tê liệt. Một căn nhà gỗ lợp duy nhất một lớp mái tôn mỏng, chắp vá, thậm chí còn phải giăng bạt nilong vì chẳng đủ khả năng che nắng, che mưa. Có lẽ, “mái ấm” chỉ là một ước vọng màu hồng ở trong trái tim của những đứa trẻ mà thôi. Tại đây, đoàn cán bộ nhân viên Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát đã có những món quà an ủi, động viên gia đình để vơi đi phần nào thiệt hại và mất mát trong trận bão lũ đã qua. Những món quà ấy tuy không lớn, nhưng giá trị tinh thần của chúng là vô cùng. Như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết, “Lá lành đùm lá rách” của đồng bào ta, chúng tôi trao món quà với toàn bộ lòng chân thành và sự cảm thông của chính mình.

Ông Mai Tống Giang – Giám đốc Công ty (thứ hai bên trái)
đại diện CBCNV Công ty đến thăm và động viên gia đình anh Hoàng Văn Đăm

Nói đến đây, chắc các bạn đọc cũng sẽ tự hỏi rằng anh Hoàng Văn Đăm, chủ hộ ở đâu mà chưa được nhắc tới trong câu chuyện này. Có thể nói, cái “mạnh mẽ”, “trách nhiệm” đã khiến chúng tôi không được gặp anh.

Ngày mưa hôm ấy, anh mất đi người vợ thân thương của mình. Vợ của anh hôm đó lên nương, phải ở lại lán bên đồi vì mưa quá to, không thể quay trở về. Và bữa cơm trước đó là bữa ăn cuối cùng anh được bên cạnh vợ, là lần cuối những đứa con thơ được thưởng thức món ăn mẹ làm. Ngày mưa hôm ấy, chị mãi mãi chẳng thể trở về nhà vì sạt lở đã cuốn chị đi.

Ngày mưa hôm ấy, anh mất đi toàn bộ gia tài, tích cóp của cả gia đình. Mưa lũ cuốn đi trâu, bò,… “đầu cơ nghiệp” của anh cứ vậy mà cuốn theo dòng nước lũ. Và điều đau đớn hơn cả, là anh chẳng thể cứu vãn, chẳng thể nhảy vào dòng nước xiết để níu lại một thứ gì. Anh cảm thấy bất lực và, xót xa.

Anh vẫn miệt mài đi tìm lại trâu, bò khi chúng tôi ghé thăm. Anh không dừng lại việc tìm kiếm để quay về nhà, nói đúng hơn, anh không thể dừng lại. Anh còn người mẹ già đang chờ ở nhà, còn con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trách nhiệm của người làm chủ gia đình không cho phép anh nghỉ ngơi, chùn bước và quay đầu. Thậm chí, anh phải mạnh mẽ để làm trụ cột trong nhà, anh không có cơ hội để “được” đau buồn, tiếc thương cho những gì đã mất.

Và đó chỉ là 1 trong hàng nghìn, hàng trăm nghìn gia đình đã và đang chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt, sạt lở. Với chúng ta, đó là một cơn mưa. Với chúng ta, đó là một tin tức trên Thời sự. Với chúng ta, đó là một bảng thống kê thiệt hại về người và của. Nhưng với một gia đình nào đó, những đồng bào của chúng ta trên khắp Tổ quốc thân thương này, đó là nước mắt, là nỗi niềm đau đớn đến xé lòng, đó là tất cả những gì họ có, và đó là những gì họ phải đối mặt hàng năm.

“Mái ấm” của gia đình anh Hoàng Văn Đăm

Ở độ tuổi chỉ ăn và học, những đứa bé trong các gia đình ấy phải trưởng thành sớm hơn rất nhiều để bù đắp cho những mất mát trong quá khứ, để mai đây nuôi cha già, em nhỏ. Và để các em có thể tồn tại trong thế giới khắc nghiệt này…

Như tôi đã chia sẻ, những món quà, lời hỏi thăm, động viên chúng tôi trao tặng gia đình anh Hoàng Văn Đăm vào ngày 17/8/2023 không phải là điều quá to lớn. Nhưng mỗi cá nhân trong Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát đều muốn gửi gắm một thông điệp tới gia đình anh Đăm, tới những người đã và đang chịu ảnh hưởng của bão lũ: Các bạn không cô đơn! Luôn có Chính phủ, các ban ngành, và đồng bào bên cạnh các bạn. Và qua câu chuyện nhỏ này mà tôi viết, ước mong của chúng tôi muốn truyền tải: Đừng để cá nhân, gia đình nào bị bỏ lại trong đau thương và mất mát của mưa bão, lũ lụt! Hãy cùng chung tay góp sức, giúp đỡ và bên cạnh họ. Vì một Việt Nam của tình yêu thương, vì một ngày chẳng điều gì có thể ngăn cản tình đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam!

Bài viết: Đoàn Thị Mai Anh - P.HCLĐ

Tìm kiếm sản phẩm